Giá dầu khởi sắc trong phiên biến động ngày thứ Sáu (24/02), và gần như đi ngang trong tuần qua, với giá dầu được hỗ trợ bởi triển vọng xuất khẩu của Nga giảm nhưng chịu áp lực bởi sự gia tăng dự trữ dầu thô tại Mỹ và lo ngại về hoạt động kinh tế toàn cầu.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu Brent tiến 95 xu (tương đương 1.2%) lên 83.16 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 93 xu (tương đương 1.2%) lên 76.32 USD/thùng. Trước đó, cả 2 hợp đồng đêu giảm hơn 1 USD/thùng.
Các hợp đồng dầu gần như không thay đổi trong tuần này.
Khối lượng giao dịch thấp hơn đã góp phần gây ra sự biến động, với giao dịch dầu Brent ở mức 58% và giao dịch dầu WTI ở mức 90% so với mức của phiên trước đó.
Vào ngày kỷ niệm 1 năm cuộc xung đột Nga – Ukraine, hợp đồng dầu Brent đã sụt 15% so với 1 năm trước đó. Hợp đồng này đã đặt mức cao nhất trong 14 năm là gần 128 USD/thùng vào ngày 08/3/2022.
Cả 2 hợp đồng dầu đều tăng 2% trong phiên trước đó nữa do Nga có kế hoạch cắt giảm xuất khẩu dầu từ các cảng phía Tây của nước nước đến 25% trong tháng 3/2023, vượt qua mức cắt giảm sản lượng đã thông báo trước đó là 500,000 thùng/ngày.
Tuy nhiên, thị trường dường như có được nguồn cung đầy đủ với dự trữ dầu thô tại Mỹ đạt mức cao nhất kể từ tháng 5/2021, theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA).
Dữ liệu từ Baker Hughes cho biết, một chỉ báo về nguồn cung trong tương lai, số giàn khoan dầu tại Mỹ đã giảm 7 giàn xuống 600 giàn trong tuần này, trong khi tổng số giàn khoan vẫn tăng 103 giàn (tương đương 15.8%) so với cùng kỳ năm ngoái.
Các dấu hiệu cho thấy sản phẩm dầu thô và tinh chế của Nga đang bị dồn lại trên các tàu chở dầu trôi nổi trên biển cũng cho thấy sự gia tăng nguồn cung.
JP Morgan dự báo Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sẽ cắt giảm sản lượng để hạn chế đà sụt giảm giá dầu.
Biên bản cuộc họp mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy hầu hết các quan chức vẫn tỏ ra “diều hâu” về lạm phát và các điều kiện thị trường lao động vẫn thắt chặt, báo hiệu việc thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa.
Triển vọng nâng lãi suất mạnh hơn đã hỗ trợ đồng USD, khiến chỉ số đồng tiền này tăng tuần thứ 4 liên tiếp. Chỉ số này hiện tăng 2.5% trong tháng 2.
Đồng USD mạnh hơn làm các hàng hoá được neo giá theo đồng bạc xanh trở nên đắt đỏ hơn đối với người nắm giữ những đồng tiền khác.
An Trần (theo CNBC)
FILI